Dấu hiệu pháp lý về lừa đảo bằng thủ đoạn kêu gọi tiền từ thiện

1. Hoạt động từ thiện được hiểu như thế nào?

Dân tộc Việt Nam có truyền thống “tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, … Tinh thần này được nhân dân Việt Nam luôn được kế thừa và phát huy, thể hiện qua những hành động rất thiết thực, thắm tình đồng bào tiêu biểu như cứu trợ bà con vùng lũ lụt, thiên tai hay những người bị ảnh hưởng do đại dịch Covid – 19.

Từ thiện được hoạt động trợ giúp người gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống mà tự họ không thể thay đổi được. Hoạt động từ thiện có thể thông qua hình thức quyên góp, hiến tặng bằng tiền, vật phẩm, … đến các tổ chức từ thiện nhằm mục đích cứu trợ nhân đạo, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe, … Hay có phương thức để lan tỏa điều tốt đẹp thì nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện như có sức lan tỏa thông điệp đến mọi người như một số ca sĩ, diễn viên, MC, … đã đứng ra kêu gọi, nhận tiền hỗ trợ, quyên góp để thực hiện các hoạt động từ thiện.

2. Dấu hiệu pháp lý về lừa đảo bằng thủ đoạn kêu gọi tiền từ thiện

Lừa đảo tiền từ thiện có nghĩa là một tổ chức, cá nhân kêu gọi quyên góp với mục đích cứu trợ nhân đạo, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe, … nhưng không sử dụng số tiền quyên góp đúng vớ mục đích kêu gọi.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi chuyển dịch, đoạt lấy, chiếm lấy tài sản của người khác trái pháp luật, để nắm giữ, quản lý, sử dụng, định đoạt bằng cách dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản trao sự tin tưởng cho nhầm người mà giao tài sản cho người phạm tội. Để nhận biết được loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn kêu gọi tiền từ thiện, chúng ta cần dựa vào 04 yếu tố cấu thành tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

Về chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.

Về khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.

Về mặt chủ quan của tội phạm:

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác do mình thực hiện hành vi là gian dối, trái pháp luật. Đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị chiếm đoạt trái pháp luật và mong muốn hậu quả đó xảy ra.

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Về mặt ý chí của người phạm tội lừa đảo bao giờ cũng nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản trước khi thực hiện hành vi lừa đảo, đây là điểm phân biệt cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Vì trong một số trường hợp phạm tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì bao giờ ý định chiếm đoạt tài sản cũng phát sinh sau khi nhận tài sản thông qua một hình thức giao dịch nhất định. 

Ý thức chiếm đoạt phải có trước thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. thủ đoạn gian dối bao giờ cũng phải có trước khi tiến hành giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội. Nếu sau khi có được tài sản hợp pháp mới phát sinh thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản thì không coi là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội danh tương ứng (như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản).

Về mặt khách quan của tội phạm:

Về hành vi phải sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản:

– Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả, không đúng sự thật nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết, bằng hành động và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản. 

– Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối.

Dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Nếu có hành vi gian dối mà không có hành vi chiếm đoạt (chỉ chiếm giữ hoặc sử dụng), thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi gian dối trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép hoặc tội sử dụng trái phép tài sản, hoặc đó chỉ là quan hệ dân sự.

 Bên cạnh đó, về giá trị tài sản chiếm đoạt thì giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 02 triệu đồng trở lên. Nếu dưới 02 triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

3. Xử lý đối với hành vi lừa đảo bằng thủ đoạn kêu gọi tiền từ thiện

Việc kêu gọi và chấp nhận quyên góp từ thiện bản chất là thực hiện giao dịch dân sự, theo đó, khi nhận được tiền quyên góp từ thiện, người kêu gọi quyên góp có nghĩa vụ thực hiện theo đúng mục đích đã kêu gọi từ trước đó. Mọi hành vi như ăn chặn, biển thủ số tiền từ thiện đó để chiếm đoạt là hành vi đáng lên án và phải chịu sự xử phạt thích đáng. Và đối với hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có đầy đủ các chứng cứ và yếu tố cấu thành tội phạm. 

3.1. Xử phạt vi phạm hành chính

Về xử phạt vi phạm hành chính thì căn cứ tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể:

Đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả thì người thực hiện hành vi sẽ bị phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 03 triệu đồng.Đối với tổ chức thì mức phạt tiền sẽ gấp đôi theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Bên cạnh đó cũng sẽ áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

3.2. Bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Trường hợp người kêu gọi từ thiện có hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, nghĩa là trong quá trình kêu gọi từ thiện cố tình đưa ra thông tin có sự việc ủng hộ từ thiện nhưng thực tế không có bất kỳ hoạt động từ thiện nào, làm cho mọi người tin tưởng và chuyển tiền ủng hộ nhằm mục tích chiếm đoạt số tiền từ thiện. Nếu số tiền chiếm đoạt có giá trị từ 02 triệu đồng trở lên (hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng đã bị xử lý về hành vi chiếm đoạt tài sản tài sản mà còn vi phạm hoặc chưa được xóa án tích) thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể có thể áp dụng một trong các hình phạt sau đây:

– Khung cơ bản: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

– Khung thứ 02: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm

– Khung thứ 03: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm

– Khung thứ 04: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Leave Comments