Làm chậm giấy khai sinh cho con bị xử phạt bao nhiêu ?

1. Pháp luật quy định như thế nào về thời hạn khai sinh

Mỗi công dân sinh ra đều có quyền được khai sinh, cụ thể tại Điều 30 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định cụ thể về Quyền được khai sinh, khai tư, theo đó:

– Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh.

– Cá nhân chết phải được khai tử.

– Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu.

– Việc khai sinh, khai tử do pháp luật về hộ tịch quy định.

Theo quy định của pháp luật thì việc đăng ký khai sinh được thực hiện trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con. Căn cứ vào Điều 15 Luật hộ tịch 2014  thì luật quy định cụ thể như sau: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em. Công chức tư pháp – hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động”.

Cũng theo quy định của pháp luật về Hộ tịch, ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức Tư pháp – Hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tích; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, trình Lãnh đạo UBND xã ký cấp giấy khai sinh. Nội dung Giấy khai sinh xác định những thông tin về bản thân người được đăng ký khai sinh như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, nơi sinh và thông tin về cha, mẹ của người được đăng ký khai sinh. Trong các loại giấy tờ hộ tịch thì Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc, gắn liền với mỗi cá nhân từ khi sinh ra đến khi chết đi. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đêm, ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó. 

Theo như quy định nêu trên thì cha hoặc mẹ phải có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con trong vòng 60 ngày kể từ ngày sinh. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp không thực hiện việc đăng ký khai sinh theo đúng quy định của Luật hộ tịch năm 2014 thì có bị xử phạt hay không?

2. Làm chậm giấy khai sinh cho con bị xử phạt bao nhiêu?

Theo quy định tại điều 37 của Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì hành vi vi phạm về đăng ký khai sinh bị xử phạt như sau:

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng lý khai sinh.

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh;

+ Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh;

+ Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký khai sinh.

– Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tàng vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định 82/2020/NĐ-CP

Bên cạnh đó người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy khai sinh đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại Khoản 1 Điều này.

Dựa theo quy định tại Điều 37 của Nghị định 82/2020/NĐ-CP, theo đó việc đăng ký khai sinh cho con muộn sẽ không bị xử phạt, nhưng có thể bị xem xét đến vấn đề phải nộp lệ phí đăng lý hộ tịch vì theo quy định tại Điều 11 Luật Hộ tịch 2014, nếu bạn đăng ký khai sinh cho con trong thời hạn 60 ngày kể từ khi sinh thì sẽ được miễn lệ phí đăng ký hộ tịch. Trường hợp đăng ký khai sinh quá hạn bạn sẽ phải nộp lệ phí, mức nộp tùy thuộc vào điều kiện thực tế của địa phương. Chính vì vậy, các bậc cha, mẹ và những người thân thích cũng như Công chức tư pháp – hộ tịch cần lưu ý vấn đề này để đảm bảo quyền lợi cho trẻ em.

3. Luật Minh Khuê hướng dẫn làm giấy khai sinh

3.1 Hồ sơ cần chuẩn bị

– Tờ khai theo mẫu (Tờ khai đăng ký khai sinh, Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu nếu tiến hành đồng thời thủ tục nhân cha, mẹ con);

– Bản chính Giấy chứng sinh; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì phải có biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập. 

Trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản xác nhận của cơ sở ý tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ.

– Văn bản ủy quyền (được chứng thực) theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh.

– Trường hợp đồng thời làm thủ tục nhận cha mẹ con phải xuất trình chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con hoặc quan hệ mẹ, con gồm:

+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

+ Trường hợp không có văn bản nêu trên thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

Người đi khai sinh cho trẻ phải xuất trình được giấy tờ tùy thân như hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký khai sinh, nhận cha, mẹ, con; Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để chứng minh thẩm quyền đăng ký khai sinh, nhận cha, mẹ, con (trong giai đoạn chuyển tiếp). Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực các giấy tờ phải xuất trình nêu trên.

Lưu ý với giấy tờ nộp, xuất trình:

+ Trường hợp người yêu cầu nộp giấy tờ là bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính thì người tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu xuất trình bản chính; nếu người yêu cầu chỉ nộp bản chụp và xuất trình bản chính thì người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu bản chụp với bản chính và ký vào bản chụp xác nhận về việc đã đối chiếu nội dung giấy tờ đó, không được yêu cầu người đi đăng ký nộp bản sao giấy tờ đó.

+ Đối với giấy tờ xuất trình đăng ký hộ tịch, người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu với thông tin trong tờ khai, chụp lại hoặc ghi lại thông tin để lưu trong hồ sơ và trả lại cho người xuất trình, không được yêu cầu nộp bản sao hoặc bản chụp giấy tờ đó.

+ Người tiếp nhận có trách nhiệm tiếp nhận đúng, đủ hồ sơ đăng ký hộ tịch theo quy định của pháp luật hộ tịch, không được yêu cầu người đăng ký hộ tịch nộp thêm giấy tờ mà pháp luật hộ tịch không quy định phải nộp.

+ Trường hợp cho phép người yêu cầu đăng ký hộ tịch lập văn bản cam đoan về nội dung yêu cầu đăng ký hộ tịch thì cơ quan đăng ký hộ tịch phải giải thích rõ cho người lập văn bản cam đoan về trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan không đúng sự thật. Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan không đúng sự thật.

3.2 Trình tự thực hiện

Bước 1: Nộp giấy hồ sơ

Người đăng ký khai sinh cho trẻ đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ để làm thủ tục. Nếu không xác định được nơi cư trú của cha, mẹ thì nộp tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang sinh sống.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh

Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình.

+ Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả;

+ Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định; trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì phải lập thành văn bản hướng dẫn, trong đó nếu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên của người tiếp nhận.

– Ngay khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dẫn cấp xã đồng ý giải quyết thì công chức tư pháp – hộ tịch cập nhật thông tin khai sinh theo hướng dẫn để lấy Số định danh cá nhân, ghi nội dung khai sinh vào Sổ đăng ký khai sinh, hướng dẫn người đi đăng ký khai sinh kiểm tra nội dung Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh, cùng người đi đăng ký khai sinh ký tên vào Sổ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký 01 bản chính Giấy khai sinh cấp cho người được đăng ký khai sinh, số lương bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu.

Bước 3: Cấp giấy khai sinh

Làm giấy khai sinh cho con khi chưa tiến hành đăng ký kết hôn?

Leave Comments