Quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu bia

1. Quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu bia

Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.

Bia là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm mạch nha (malt), đại mạch, nấm men bia, hoa bia (hoa houblon), nước

Độ cồn là số đo chỉ hàm lượng cồn thực phẩm có trong rượu, bia tính theo phần trăm thể tích. Độ cồn được tính bằng số mililít ethanol nguyên chất trong 100 ml dung dịch ở 20 °C.

Tác hại của rượu, bia là ảnh hưởng, tác động có hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế và các vấn đề xã hội khác

Chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia

– Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.

– Ưu tiên hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông; giảm tính sẵn có, dễ tiếp cận của rượu, bia; giảm tác hại của rượu, bia; tăng cường quản lý sản xuất rượu thủ công; thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai.

– Bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia; chú trọng các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia của y tế cơ sở và ở cộng đồng; huy động xã hội hóa các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia.

– Khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới nhằm giảm tác hại của rượu, bia.

– Khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Quyền và nghĩa vụ chung của cá nhân, tổ chức trong phòng chống, tác hại của rượu, bia

– Được sống trong môi trường không chịu ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia.

– Được cung cấp thông tin phù hợp, chính xác, khách quan, khoa học, đầy đủ về rượu, bia, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và tác hại của rượu, bia.

– Phản ánh, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tố cáo việc cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

– Tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia

– Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

– Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

– Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

– Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.

– Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

– Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

– Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.

– Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.

– Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.

– Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.

– Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.

– Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia.

– Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định.

2. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu bia

Nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia

– Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, kế hoạch về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

-Thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

– Đào tạo, bồi dưỡng về công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.

– Thống kê, sơ kết, tổng kết, định kỳ báo cáo việc thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia.

– Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

– Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức

– Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia; tổ chức thực hiện nghiêm quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức.

– Người đứng đầu tổ dân phố, khu phố, khối phố, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, tổ chức tại cơ sở, cộng đồng tham gia các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định tại Điều 24 của Luật này.

– Người đứng đầu, người quản lý, điều hành địa điểm quy định tại Điều 10 và Điều 19 của Luật này có trách nhiệm sau đây:

+ Nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm quy định tại Điều 10 và Điều 19 của Luật này; từ chối cung cấp dịch vụ nếu người vi phạm tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở, yêu cầu;

+ Tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về không được uống, không được bán rượu, bia tại địa điểm thuộc, quyền quản lý, điều hành.

3. Hình thức xử phạt hành chính đối với Người đứng đầu cơ quan, tổ chức không tuân thủ quy định pháp luật trong phòng, chống tác hại của rượu, bia

Đối với hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: 

– Không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong cơ quan, tổ chức;

– Không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức;

– Không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu, bia trong địa điểm không uống, bán rượu, bia thuộc quyền quản lý, điều hành;

– Không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về không được uống, không được bán rượu, bia tại địa điểm thuộc, quyền quản lý, điều hành. 

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi của người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải không thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.

Theo khoản 5 Điều 4 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

4. Xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức không tuân thủ quy định pháp luật trong phòng, chống tác hại của rượu, bia

Tùy thuộc vào người đứng đầu cơ quan, tổ chức là công chức, viên thì khi có hành vi vi phạm còn bị xử lý kỷ luật theo quy định, quy chế của đơn vị

– Hình thức kỷ luật đối với cán bô, công chức:

Áp dụng đối với cán bộ gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức; Bãi nhiệm

Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Buộc thôi việc

Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc

– Hình thức kỷ luật đối với viên chức

Áp dụng đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý gồm Khiển trách; Cảnh cáo; Buộc thôi việc

Áp dụng đối với viên chức quản lý gồm khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức; Buộc thôi việc

Leave Comments