Nguồn của chứng cứ trong tố tụng hình sự gồm những gì?

1. Hiểu thế nào về nguồn chứng cứ?

Chứng cứ trong vụ án hình sự là những gì có thật liên quan đến vụ án hình sự mà dựa vào nó, các cơ quan tiến hành tố tụng dùng làm căn cứ xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội, mức độ, tính chất hành vi và từ những tình tiết khác liên quan đến việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.

Còn nguồn chứng cứ là hình thức, nơi chứa đựng những gì có thật liên quan đến vụ án hình sự. Do đó, việc làm rõ khái niệm chứng cứ và nguồn chứng cứ, cũng như làm sáng tỏ các loại nguồn chứng cứ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng để vụ án được giải quyết khách quan, chính xác và đúng pháp luật.

 

2. Có bao nhiêu nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự?

Có nhiều người đang nhầm lẫn giữa nguồn chứng cứ và chứng cứ, tuy nhiên hai khái niệm này là khác nhau. Theo quy định tại Điều 87 Bộ luật Tộ tụng hình sự năm 2015 nguồn chứng cứ bao gồm 6 loại nguồn và một số nguồn khác theo quy định, cụ thể như sau:

– Vật chứng: Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Theo quy định những vật chứng liên quan đến vụ án cần được bảo quản nguyên vẹn, không để bị mất mát, lẫn lộn, hư hỏng. Nếu người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để mất mát, hư hỏng,… thì sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc thậm chí còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự

– Lời khai, lời trình bày: thông thường, lời khai, lời trình bày là nguồn chứng cứ từ người làm chứng, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị bắt, bị tạm giữ, người tố giác, báo tin về tội phạm, người chứng kiến, bị can, bị cáo.

– Dữ liệu điện tử: theo quy định  thì dữ liệu điện tử là những ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Nó được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác. Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.

– Kết luận giám định, định giá tài sản: kết luận giám định được hiểu là văn bản do cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức giám định lập để kết luận chuyên môn về những vấn đề được trưng cầu, yêu cầu giám định. Tất cả những người có liên quan đến kết quả giám định đều ký vào kết luận giám định của mình trường hợp có ý kiến khác nhau thì mỗi người ghi ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận. 

Kết luận định giá tài sản là văn bản do Hội đồng định giá tài sản lập để kết luận về giá của tài sản được yêu cầu.

Hội đồng định giá tài sản kết luận giá của tài sản và phải chịu trách nhiệm về kết luận đó. Kết luận định giá tài sản phải có chữ ký của tất cả thành viên Hội đồng định giá tài sản. Trường hợp không đồng ý với giá của tài sản do Hội đồng quyết định thì thành viên của Hội đồng ghi ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận.

– Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án: theo đó những tình tiết được ghi trong biên bản về hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử được lập theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có thể được coi là chứng cứ.

– Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác: Theo quy định kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với chứng cứ khác của vụ án.

Ngoài ra còn các tài liệu, đồ vật khác được ghi trong tài liệu, đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp.

Có một vấn đề cần lưu ý: những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hính sự năm 2015 quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.

Như vậy, trong tố tụng hình sự có tổng cộng 6 nguồn chứng cứ và các nguồn chứng cứ khác được ghi trong tài liệu, đồ vật do cơ quan tổ chức, cá nhân cung cấp.

 

3. Cách thu thập phương tiện, điện tử, dữ liệu điện tử 

Theo quy định của pháp luật, phương tiện điện tử được coi là một trong những nguồn chứng, pháp luật cũng quy định về cách xác định nguồn chứng. Đây là nguồn chứng cứ mới được quy định trong tố tụng hình sự nên phải được thu giữ, niêm phong chặt chẽ, tránh tiêu cực xảy ra. Phương tiện điện tử cần phải được thu giữ kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng và niêm phong ngay sau khi thu giữ. Việc niêm phong, mở niêm phong được tiến hành theo quy định của pháp luật. 

Việc thu thập phương tiện điện tử và dữ liệu điện tử phải đảm bảo yêu cầu:

-Tính hợp pháp: việc thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử phải do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện và có thể mời người có chuyên môn liên quan tham gia. Ngoài ra, việc thu thập cầnphải theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự về khám xét, khám nghiệm, thu giữ, lập biên bản, bảo quản, chụp ảnh, vẽ sơ đồ, bảo quản vật chứng, lưu trữ dữ liệu điện tử để bảo đảm giá trị pháp lý của dữ liệu điện tử cũng như các điều kiện để dữ liệu điện tử có thể sử dụng làm chứng cứ.

-Tính xác thực: Đảm bảo trước, trong và sau khi thu giữ vật chứng lưu dữ liệu điện tử và dữ liệu điện tử đã thu giữ và lưu vào phương tiện điện tử không thể bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài làm thay đổi dữ liệu. Có đủ căn cứ chứng minh vật chứng và dữ liệu điện tử làm chứng cứ có thật, tồn tại khách quan, không bị làm sai lệch, biến dạng. 

Trường hợp không thể thu giữ phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sao lưu giữ liệu điện tử đó vào phương tiện điện tử và bảo quản như đối với vật chứng, đồng thời yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân, liên quan lưu trữ , bảo toàn nguyên vẹn dữ liệu điện tử mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã sau lưu và các cơ quan, tổ chức cá nhân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

Khi nhận được quyết định trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thực hiện phục hồi, tìm kiếm giám định dữ liệu điện tử. Trường hợp dữ liệu điện tử bị xóa, ghi đè thì phải sử dụng biện pháp thích hợp để phục hồi dữ liệu. Để việc phục vụ nghiên cứu giám định bổ sung, giám định lại, giám định tập thể nếu cần sau này, nên việc phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử chỉ được thực hiện trên bản sao, còn bản gốc bảo quản nguyên vẹn. Kết quả phục hồi, tìm kiếm, giám định phải chuyển sang dạng có thể đọc, nghe hoặc nhìn được để phục vụ truy tố, xét xử tội phạm.

Cuối cùng, phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được bảo quản như vật chứng theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và khi xuất trình chứng cứ là dữ liệu điện tử phải kèm theo phương tiện lưu trữ dữ liệu hoặc bản sao dữ liệu điện tử.

 

4. Thủ tục thu thập dữ liệu điện tử như thế nào?

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch 10/2012/TTLT của BCA-BQP-BTP-BTT&TT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10/9/2012. quy định về trình tự, thủ tục thu thập dữ liệu điện tử cụ thể: để bảo đảm giá trị chứng cứ, cần thực hiện đúng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự đối với việc khám xét, thu giữ, tạm giữ, bảo quản vật chứng có lưu dữ liệu điện tử như: Ổ cứng máy tính, bộ nhớ trong của điện thoại di động, máy ảnh, máy ghi hình, máy fax, máy ghi âm, máy đọc thẻ, thẻ từ, thẻ chíp, thẻ nhớ, USB, đĩa CD, đĩa VCD, đĩa DVD và các loại phương tiện điện tử khác. Khi thu giữ phương tiện điện tử cần chú ý:

– Đối với máy tính: Không được tắt (shutdown) theo trình tự mà ngắt nguồn cung cấp điện trực tiếp cho thân máy (CPU) hoặc máy tính (đối với máy tính xách tay);

– Đối với điện thoại di động: Tắt máy, thu giữ cả điện thoại, thẻ nhớ, thẻ sim, bộ sạc điện thoại (nếu có);

– Đối với phương tiện điện tử khác: Tắt thiết bị, thu giữ cả phụ kiện đi kèm (nếu có).

Khi bàn giao cho chuyên gia phục hồi dữ liệu điện tử, phải làm thủ tục mở niêm phong và niêm phong theo quy định của pháp luật. Để bảo đảm tính nguyên trạng và toàn vẹn của chứng cứ lưu trong vật chứng, việc sao chép dữ liệu để phục hồi, phân tích phải được thực hiện bằng thiết bị “chỉ đọc”  chỉ thực hiện trên bản sao, không được ghi đè, sửa chữa dữ liệu. Để chuyển hóa thành chứng cứ pháp lý, dữ liệu điện tử phải được chuyển sang dạng có thể đọc được, nhìn được, nghe được; phải lập biên bản về nội dung dữ liệu điện tử đã phục hồi, phân tích; kèm theo lời khai, xác nhận của người phạm tội, người làm chứng về những thông tin đó

Leave Comments