Phân tích nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận?

1. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự

Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, bao gồm:

– Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.

– Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

– Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.

– Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

– Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

2. Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận

Khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

Theo truyền thống, tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận là tiêu chí quan trọng để các chủ thể của quan hệ dân sự xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình. Tự do ý chí trong việc lựa chọn hướng xác lập quan hệ dân sự cụ thể và tự nguyện, không bị đe dọa, cưỡng ép trong xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự là yêu cầu cơ bản đối với mọi quan hệ dân sự. Vi phạm quy định trên đây, quan hệ dân sự cụ thể đó có thể bị coi là vô hiệu.

Tính chất điều chỉnh của pháp luật dân sự hoàn toàn khác với tính chất điều chỉnh của luật hình sự và một số ngành luật khác. Khi quy định cơ sở của trách nhiệm hình sự Điều 2 Bộ luật hình sự năm 2015 vẫn tiếp tục quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự” và khoản 1 Điều 8 quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự…”. Như vậy, trong thực tế có thể có những hành vi “nguy hiểm” nhưng nếu Bộ luật hình sự không quy định đó là tội phạm vì chưa gây nguy hiểm cho xã hội thì người thực hiện hành vi đó cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự. Chức năng cơ bản của hình phạt trong trách nhiệm hình sự chủ yếu nhằm mục đích: trừng trị, giáo dục người phạm tội và răn đe, phòng ngừa tội phạm, được quy định trước trong Bộ luật hình sự. Trong pháp luật hình sự không có sự “thỏa thuận” về trách nhiệm pháp lý như trong trách nhiệm dân sự. Tính chất bình đẳng trong pháp luật hình sự hoàn toàn khác tính chất bình đẳng trong pháp luật dân sự: các bị cáo chỉ bình đẳng trước pháp luật tại Tòa án và được xét xử công bằng.

Còn trong pháp luật dân sự, các chủ thể có quyền tùy nghi thỏa thuận dù chưa được pháp luật dân sự quy định, nhưng “mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”. Vì vậy, mặc dù BLDS năm 2015 không có quy định, không dự liệu… nhưng các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự vẫn có thể thỏa thuận với nhau và vẫn có sự ràng buộc pháp lý. Sự ràng buộc này vẫn được pháp luật dân sự công nhận; quyền và nghĩa vụ của các bên vẫn được pháp luật bảo đảm thực hiện.

3. Nguyên tắc tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự

Khoản 5 Điều 3 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

Có thể thấy, BLDS là bộ “luật tư” gắn liền với trách nhiệm của các chủ thể (chủ yếu là trách nhiệm tài sản), nên nguyên tắc đặc trưng là chủ thể trong quan hệ dân sự phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự do chính chủ thể đã xác lập. Trong pháp luật dân sự thì trách nhiệm tài sản là trách nhiệm của chủ thể này trước chủ thể khác khi có hành vi vi phạm nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc khắc phục những hậu quả xấu do hành vi vi phạm gây ra. Đặc trưng của trách nhiệm pháp lý trong luật dân sự tuy cũng là biện pháp cưỡng chế của Nhà nước nhưng bản chất pháp lý hoàn toàn khác và chỉ mang tính chất tài sản. Tự chịu trách nhiệm dân sự có thể được quy định trong pháp luật dân sự nhưng cũng có thể do các chủ thể thỏa thuận trong quá trình cam kết, thỏa thuận xác lập các giao dịch dân sự (chủ yếu là đối với các quan hệ về hợp đồng).

Tự chịu trách nhiệm dân sự là cơ sở pháp lý nhằm bảo đảm cho mọi quan hệ dân sự đã được các chủ thể xác lập luôn được thực hiện nghiêm minh trong một hành lang pháp lý an toàn. Khi có một bên trong giao dịch dân sự không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ các điều khoản mà chủ thể đó đã tự nguyện cam kết, thỏa thuận, thì họ phải tự chịu trách nhiệm dân sự trước bên có quyền bị vi phạm. Khi một chủ thể có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến các quyền tuyệt đối của một chủ khác thì chủ thể có hành vi gây thiệt hại trái pháp luật cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường những thiệt hại vật chất, thiệt hại tinh thần do hành vi gây thiệt hại trái pháp luật của mình gây ra.

Trong các quan hệ dân sự mỗi chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự cụ thể phải tự chịu trách nhiệm về các hành vi và hậu quả của hành vi đó. Nếu bên vi phạm không tự nguyện thực hiện thì có thể bị cưỡng chế thực hiện. Trong quan hệ dân sự thì trách nhiệm tài sản là trách nhiệm của chủ thể này trước chủ thể khác khi có hành vi vi phạm nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc khắc phục những hậu quả xấu do hành vi vi phạm gây ra. Đặc trưng của trách nhiệm pháp lý trong luật dân sự tuy cũng là biện pháp cưỡng chế của Nhà nước nhưng bản chất pháp lý hoàn toàn khác và nguyên tắc là chủ thể phải tự chịu trách nhiệm về cam kết, thỏa thuận xác lập quan hệ dân sự.

Do các quan hệ dân sự phong phú, đa dạng nên pháp luật dân sự cho phép các chủ thể trong quá tnnh xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ dân sự có quyền chuyển giao quyền và nghĩa vụ đó cho chủ thể khác. Khi đó, trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự tùy thuộc vào nội dung cam kết, thỏa thuận giữa các chủ thể. Việc để chủ thể khác phải chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự phụ thuộc vào nội dung ủy quyền theo các quy định về đại diện (từ Điều 134 đến Điều 143 BLDS năm 2015); hoặc các quy định về chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ theo quy định tại phần nghĩa vụ dân sự và hợp đồng (từ Điều 365 đến Điều 371 BLDS năm 2015).

4. BLDS là luật chung của hệ thống pháp luật tư 

– BLDS năm 2015 quy định thống nhất về những dấu hiệu đặc trưng về bản chất pháp lý của các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của hệ thống pháp luật tư. Đó là những quan hệ giữa cá nhân, pháp nhân được hình thành trên nguyên tắc tự do ý chí, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm.

–  BLDS năm 2015 quy định thống nhất các nguyên tắc cơ bản thể hiện bản chất pháp lý của quan hệ dân sự và đặc trưng của pháp luật dân sự, đó là: (1) bình đẳng; (2) tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; (3) thiện chí, trung thực; (4) tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác và (5) tự chịu trách nhiệm dân sự

– Trong mối quan hệ với các luật khác có liên quan, trên cơ sở xác định rõ phạm vi điều chỉnh và vị trí, vai trò của BLDS, BLDS năm 2015 quy định theo hướng: (1) Đối với những quan hệ xã hội không thuộc quan hệ tư thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật; (2) Đối với các quan hệ dân sự, Bộ luật quy định các luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này; trường hợp luật khác có liên quan “không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản 2 Điều này thì quy định của Bộ luật này được áp dụng”(5). Cách tiếp cận như vậy đã làm rõ hơn mối quan hệ giữa BLDS với luật khác có liên quan, tạo cơ chế pháp lý để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, áp dụng pháp luật đồng bộ, thống nhất, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc áp dụng pháp luật khi tham gia các quan hệ xã hội có liên quan, tháo gỡ sự lúng túng hoặc tùy tiện, trong đó có hoạt động xét xử của Tòa án. Điều này còn góp phần khắc phục và hạn chế tình trạng các luật khác có liên quan (luật chuyên ngành) có những biểu hiện “thoát ly” khỏi BLDS.

5. BLDS bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân đã được hiến định trong lĩnh vực dân sự

Thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, BLDS năm 2015 quy định quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình; việc cá nhân, pháp nhân không thực hiện quyền dân sự của mình không phải là căn cứ làm chấm dứt quyền, trừ trường hợp luật có quy định khác; hoàn thiện chế độ pháp lý về quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của các chủ thể trong quan hệ dân sự; dành sự quan tâm đáng kể trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế pháp lý để hỗ trợ cho một số đối tượng là người yếu thế trong xã hội.

Leave Comments