Quy định về vốn điều lệ đối với doanh nghiệp bảo hiểm ?

1. Đôi nét về doanh nghiệp bảo hiểm 

1.1. Khái niệm về doanh nghiệp bảo hiểm

Theo Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 thì doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan để kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm. Cụ thể:

+/ Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

+/ Kinh doanh tái bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam nhận một khoản phí tái bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam khác, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức bảo hiểm nước ngoài để cam kết bồi thường cho các trách nhiệm đã nhận bảo hiểm.

+/ Nhượng tái bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam chuyển giao một phần trách nhiệm đã nhận tái bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam khác, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức bảo hiểm nước ngoài trên cơ sở thanh toán phí nhượng tái bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe.

1.2. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm

* Quyền của doanh nghiệp bảo hiểm

Thứ nhất, thu phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

Thứ hai, yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực mọi thông tin có liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm;

Thứ ba, hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 2 Điều 22 hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm;

Thứ tư, từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm hoặc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

Thứ năm, yêu cầu bên mua bảo hiểm áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

Thứ sáu, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đã bồi thường cho người được bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản; lợi ích kinh tế hoặc nghĩa vụ thực hiện hợp đồng hoặc nghĩa vụ theo pháp luật; trách nhiệm dân sự do người thứ ba gây ra;

Bên cạnh đó là các quyền khác theo quy định của pháp luật.

* Nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm có các nghĩa vụ sau đây:

Một là, cung cấp cho bên mua bảo hiểm bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;

Hai là, giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

Ba là, cung cấp cho bên mua bảo hiểm bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Bốn là, cấp hóa đơn thu phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan;

Năm là, bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;

…..

2. Vốn điều lệ đối với doanh nghiệp bảo hiểm

2.1. Khái niệm về vốn điều lệ

Căn cứ Nghị định 73/2016/NĐ-CP thì vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là tổng số tiền do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần và được ghi vào điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

2.2. Mức vốn của doanh nghiệp bảo hiểm

Cũng theo Nghị định 73/2016/NĐ-CP, mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là:

(1) Đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ:

a) Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c) và bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam;

b) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 350 tỷ đồng Việt Nam;

c) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 400 tỷ đồng Việt Nam.

(2) Đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ:

a) Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe: 600 tỷ đồng Việt Nam;

b) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí: 800 tỷ đồng Việt Nam;

c) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí: 1.000 tỷ đồng Việt Nam.

(3) Đối với doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam.

(4) Đối với chi nhánh nước ngoài:

a) Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c) và bảo hiểm sức khỏe: 200 tỷ đồng Việt Nam;

b) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 250 tỷ đồng Việt Nam;

c) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 300 tỷ đồng Việt Nam.

(5) Đối với doanh nghiệp tái bảo hiểm:

a) Kinh doanh tái bảo hiểm phi nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 400 tỷ đồng Việt Nam;

b) Kinh doanh tái bảo hiểm nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 700 tỷ đồng Việt Nam;

c) Kinh doanh cả 3 loại hình tái bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 1.100 tỷ đồng Việt Nam.

(6) Đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm:

a) Kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc hoặc môi giới tái bảo hiểm: 4 tỷ đồng Việt Nam;

b) Kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc và môi giới tái bảo hiểm: 8 tỷ đồng Việt Nam.

3. Tỷ lệ an toàn vốn của doanh nghiệp bảo hiểm

Theo pháp luật về bảo hiểm thì tỷ lệ an toàn vốn được hiểu là tỷ lệ giữa vốn thực có và vốn trên cơ sở rủi ro. Về nguyên tắc:

+/ Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải luôn duy trì tỷ lệ an toàn vốn không thấp hơn quy định.

+/ Khi xác định tỷ lệ an toàn vốn, các chủ thể không được tính vào vốn thực có số tiền đầu tư dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần vào doanh nghiệp bảo hiểm khác, doanh nghiệp tái bảo hiểm khác, công ty con của doanh nghiệp bảo hiểm, công ty con của doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Tỷ lệ an toàn vốn mang một số ý nghĩa quan trọng sau:

Đảm bảo tính ổn định tài chính: Tỷ lệ an toàn vốn cho biết khả năng của doanh nghiệp bảo hiểm có thể chịu được các rủi ro tài chính, bao gồm các yếu tố như tổn thất không mong đợi, biến động thị trường và biến động trong hoạt động kinh doanh. Tỷ lệ an toàn vốn cao đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có khả năng đáp ứng các yêu cầu tài chính và duy trì tính ổn định trong môi trường kinh doanh không chắc chắn.

Tăng độ tin cậy của doanh nghiệp: Tỷ lệ an toàn vốn cao là một chỉ số cho thấy doanh nghiệp bảo hiểm có khả năng chi trả các yêu cầu bồi thường trong trường hợp xảy ra sự cố. Điều này tạo niềm tin và độ tin cậy từ phía khách hàng và các bên liên quan khác, giúp duy trì và phát triển hơn trong ngành công nghiệp bảo hiểm.

Thu hút đầu tư: Một tỷ lệ an toàn vốn tốt là một yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư và cổ đông. Các nhà đầu tư quan tâm đến tính bền vững và khả năng sinh lời của doanh nghiệp bảo hiểm, và tỷ lệ an toàn vốn được coi là một chỉ số cho khả năng này. Doanh nghiệp dễ dàng mở rộng hoạt động kinh doanh nếu tỷ lệ an toàn vốn cao.

Leave Comments